Micro:bit là board mạch có kích thước nhỏ, có thể xem như một máy tính mini lập trình được, tích hợp khả năng phát hiện chuyển động, la bàn và công nghệ Bluetooth.
Về phần cứng
Với kích thước nhỏ gọn (4 x 5 cm) cùng màu sắc bắt mắt, micro:bit là board mạch được thiết kế vui nhộn và rất dễ sử dụng. Hãy cùng điểm qua các phần chính trên board micro:bit.
Mặt trước bao gồm:
- 25 led đơn.
- 2 nút nhấn lập trình được.
- 3 chân truy xuất analog/digital được đánh số từ 0 đến 2.
- Chân 3V và GND là chân dùng để cấp nguồn cho các thiết bị bên ngoài.
Mặt sau bao gồm:
- CPU chính là một vi xử lý ARM Cortex M0 32-bit, tích hợp công nghệ BLE (Bluetooth Low Energy).
- 1 cổng kết nối USB.
- 1 cổng để gắn pin (sử dụng nguồn DC 3V).
- 1 nút bấm reset.
- Cảm biến gia tốc (accelerometer) và cảm biến từ (magnetometer hay compass).
- 1 ăng-ten Bluetooth.
LED
Các LED màu đỏ ở mặt trước được sắp xếp thành các hàng và cột với kích thước 5 x 5. Chúng có thể được điều khiển bật/tắt tùy thuộc vào chương trình.
Nút nhấn
Có 2 nút nhấn A và B được xem như là tín hiệu điều khiển. Khi nút nhấn được nhấn, sẽ có tín hiệu gửi đến bộ xử lý để xử lý. Nhờ vậy, micro:bit có thể phát hiện được khi nào một trong hai nút được nhấn hay cả hai nút được nhấn cùng lúc.
Ngoài ra, ở mặt sau của micro:bit còn có 1 nút nhấn RESET. Đây là nút nhấn hệ thống dùng để khởi động lại chương trình.
Cảm biến từ
Cảm biến từ (magnetometer) hay la bàn (compass) là một thành phần được tích hợp trên board micro:bit với khả năng phát hiện từ trường (ví dụ là từ trường Trái Đất). Nhờ đó, nó có thể phát hiện được hướng di chuyển cũng như góc lệch khi ta di chuyển board micro:bit.
Cảm biến gia tốc
Tên chính xác của nó là Accelerometer, một loại cảm biến có khả năng phát hiện được chuyển động khi di chuyển, lắc, rơi hay dùng để đo độ nghiêng,..
Các chân ngõ vào/ ra
Gồm 3 chân được đánh số lần lượt là 0 , 1 và 2. Với các chân này, ta có thể gắn thêm các cảm biến bên ngoài như cảm biến nhiệt độ, hay cảm biến đo độ ẩm,… Các chân này vừa có thể là chân input (ngõ vào) để đọc giá trị cảm biến, vừa có thể làm chân output (ngõ ra) để xuất các tín hiệu ra.
Ứng dụng
Chúng ta hãy điểm qua một số ứng dụng vui sử dụng mirco:bit:
Flash heart: Một trong những ứng dụng đơn giản để bắt đầu với micro:bit chính là tạo ra các hình dạng khác nhau từ led ma trận có thể nhấp nháy.
Step Counter: Đi bộ là một trong những cách tập thể dục đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện. Ứng dụng này sẽ đếm số bước chân của bạn và hiển thị lên led của micro:bit.
Dùng micro:bit chụp hình selfie
Remote Selfies: Chụp hình, selfie cùng mọi người và chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội đang là xu hướng của giới trẻ hiện nay. Với ứng dụng Remote Selfie, chúng ta có thể tạo ra những bức ảnh đẹp nhất, phong cách nhất mà không cần phải nhờ ai bấm máy hộ.
Compass: La bàn là vật không thể thiếu mỗi khi đi leo núi, cắm trại hay du lịch trong những khu rừng. Giờ đây, với micro:bit, Chúng ta có thể tự tạo cho mình một chiếc la bàn điện tử để không bị lạc đường.
Lưu ý khi sử dụng Micro:bit
Tuy sử dụng board micro:bit rất thú vị và đơn giản, nhưng thiết kế của board là thiết kế mở, cho phép ta tiếp xúc được với các phần tử, linh kiện điện tử ở bên trong. Điều đó đồng nghĩa với việc có nguy cơ nhỏ các phần tử này bị quá nhiệt, hay thậm chí là hư hỏng. Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng quá nhiều, chỉ cần cẩn thận một chút và lưu ý những điều sau đây, chúng ta sẽ có những phút giây vui chơi, học tập thật thú vị.
Một số lời khuyên khi sử dụng board micro:bit
- Luôn để micro:bit trong túi chống tĩnh điện khi không sử dụng.
- Chỉ cầm board ở các cạnh, hạn chế chạm vào các phần tử trên mặt board khi đang được cấp nguồn.
- Chỉ sử dụng pin bộ (battery pack) hoặc cable (dây cáp) USB để cấp nguồn cho board micro:bit. Không được dùng sạc di động để cấp nguồn vì có thể gây hư hại cho board hoặc dừng hoạt động đột ngột.
- Không nên giữ lại những board micro:bit đã bị lỗi, hoặc bị hỏng.
Ngoài ra, bạn có thể đọc thêm về các lời khuyên an toàn khi sử dụng board micro:bit ở đây: microbit.org/assets/documents/microbit-safety-guide-090617.pdf .
7 Bình luận